1.4.17

Học viết

Người mình xưa có câu: «Học ăn, học nói, học gói, học mở,» ý là cái gì cũng cần phải học. Học viết cũng vậy, mà học viết càng cần phải rèn giũa nhiều hơn, vì viết thường dùng để chuyển tải nhiều ý hơn để người khác còn đọc lại. 




Có nhiều cách viết khác nhau, giống như vẽ một bức tranh thường có nhiều trường phái. Có những cách viết đơn giản, mộc mạc, đi thẳng vào vấn đề; cũng có cách viết dẫn dắt bạn đọc đi loanh quanh vào những con đường đầy hương và hoa để độc giả cảm nhận được sự sung sướng của việc đọc trước khi dẫn họ tới đích.

Bài này hướng dẫn một lối viết mộc mạc, đi thẳng vào vấn đề, và thường được dùng như là lối viết phổ biến trong khoa học, đó là lối viết diễn dịch.

Có ba điều quan trọng cần lưu ý khi viết một bài văn, đó là ý, đoạn, và câu.

Diễn dịch có nghĩa là từ một ý lớn, bạn diễn nghĩa ra thành những ý nhỏ hơn, và từ những ý nhỏ hơn đó bạn giải thích và thảo luận để thành những đoạn văn nhỏ. Những đoạn văn nhỏ thể hiện các ý nhỏ diễn nghĩa cho cái ý lớn, tức là ý chung của toàn bài. Phương pháp viết này thỉnh thoảng còn được gọi là bông tuyết nở, tiếng Anh là snow flakes.

Trong lối viết diễn dịch, ý nối tiếp ý tạo thành một dòng ý. Ý lớn thể hiện trước, theo sau là các ý nhỏ bổ sung ý lớn. Mỗi ý là một đoạn. Đó gọi là diễn dịch ý trong bài. Những bài viết khéo, người đọc bài cảm nhận như đang lái chiếc xuồng xuôi một dòng sông lớn.

Trong mỗi đoạn văn, câu đầu tiên hoặc câu thứ hai thể hiện ý chính của đoạn, những câu sau diễn giải, bổ nghĩa cho ý chính đó. Đó gọi là diễn dịch ý trong đoạn.

Soạn một bài văn giống như xây một công trình và mỗi câu văn là một viên gạch. Viết câu cũng cần tuân theo những nguyên tắc nhất định. Ba nguyên tắc chính, hay còn được gọi là nguyên tắc 3S, để viết câu là: short (ngắn), sweet (ngọt), soft (nhẹ). Tiếng Việt có thể chuyển thành nguyên tắc 3N, tức: ngắn, ngọt, nhẹ.

Câu văn cần ngắn gọn, dùng từ ngữ dễ nghe, và không kém phần quan trọng là xếp chữ theo luật bằng trắc để người đọc đọc câu văn cảm thấy nhẹ nhàng, trôi chảy.

«Trăm hay không bằng tay quen,» muốn viết tốt các bạn cần thường xuyên viết. Viết là suy nghĩ, và do đó viết cũng là một cách luyện tập trí óc và tính lô-gic trong suy nghĩ của bạn.

Muốn viết hay các bạn cũng cần thường xuyên đọc. Không những đọc sách trong nước mà còn đọc của nước ngoài. Đọc để học cách họ dùng từ, bố trí câu, và diễn đạt ý. Mỗi lần đọc sẽ là một lần bạn học. Học điều hay và học cách họ viết.

Càng đọc nhiều, càng viết nhiều, cuối cùng bạn sẽ hình thành nên một phong cách viết riêng của mình, để rồi cuối cùng sẽ đúc rút ra viết văn chính luận nên sao và viết văn tả cảnh thì thế nào.

Trên đây chỉ là đôi dòng hướng dẫn các bạn cách viết theo lối diễn dịch, một lối viết khá phổ biến, đơn giản, và thường được dùng trong khoa học. Bài viết này, chính nó, là một ví dụ của lối viết diễn dịch. Bài viết đầu tiên đi thẳng trực diện vào giới thiệu vấn đề. Nó sau đó hướng dẫn cách bố trí ý theo dòng, cách trình bày đoạn theo lối diễn dịch, và sau đó là cách viết câu ngắn gọn, ngọt ngào, trôi chảy. Lẽ dĩ nhiên, sẽ có nhiều lối viết khác nhau, và các bạn muốn tìm hiểu có thể đọc các cuốn sách dạy viết, chẳng hạn như The Elements of Style của William Strunk Jr. Nhiều người sẽ cho rằng sách hướng dẫn cách viết tiếng Anh, nhưng hãy đọc để thấy rằng tiếng Anh hay tiếng Việt cuối cùng là ngôn ngữ để chuyển tải, viết là để chuyển tải ý, và cuốn sách, dù dạy viết văn tiếng Anh, sẽ cho bạn thấy những kỹ thuật viết mà nhiều người Việt cần học để làm giàu thêm tiếng Việt.


Nguyễn Huy Vũ

1.4.2017