13.6.17

Kéo dài sự cầm quyền của một chính phủ thành công

Trong hệ thống chính trị tổng thống, mối lo ngại xuất hiện một chế độ độc tài khiến cho các nhà thiết kế hệ thống chính trị có xu hướng giới hạn số nhiệm kỳ của tổng thống. Việc giới hạn số nhiệm kì của tổng thống là cần thiết nhằm hạn chế sự xuất hiện độc tài, nhưng cách làm này bộc lộ hai điểm yếu đó là: một, trong trường hợp một nội các làm được việc và trẻ trung, việc giới hạn nhiệm kỳ vô tình bỏ đi một đội ngũ lãnh đạo thành công; và hai, sự thay đổi một nhóm lãnh đạo nhiều khả năng sẽ dẫn đến các thay đổi về chính sách khiến làm gián đoạn sự phát triển của một đất nước. Đó là lý do mà ở một số nước phát triển vượt bậc nhanh chóng như Đức hay Nhật sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, vai trò cầm quyền liên tục của một đảng hay liên minh cầm quyền thành công đóng một vai trò rất quan trọng.


Hệ thống nghị viện do đó cho phép kéo dài sự cầm quyền của một chính phủ thành công. Mối lo ngại duy nhất rằng chính phủ này có thể trở thành một đảng độc tài hay khuynh loát chính trị nên được giải quyết bằng các phương cách được thảo luận ở các phần bên trên.



Thiết lập một mô hình chính trị không giống như vẽ những nét cho một bức tranh trên một tờ giấy trắng. Chỉ trong một vài trường hợp đặc biệt mà những mô hình chính trị được áp đặt, như của Nhật và Đức sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Bất cứ một hệ thống chính trị nào cũng là kết quả của những dấu ấn lịch sử, và là một quá trình đấu tranh và thỏa hiệp giữa các thế lực chính trị với nhau. Ngay cả mô hình chính trị dân chủ của Đức và Nhật sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai cũng đã được dựng lên dựa trên những hoàn cảnh lịch sử vốn đã từng tồn tại sao cho phù hợp với cả hai quốc gia này. Vì vậy mà sự hiểu biết về những hậu quả và kết quả của các cơ chế hoạt động trong các mô hình chính trị sẽ giúp định rõ những hướng đi cần thiết nhằm xây dựng một thể chế phù hợp để kiến tạo nên một xã hội tự do và phát triển.


Trong trường hợp của Việt Nam, cuối cùng rồi hệ thống chính trị độc tài cũng sẽ cáo chung nhường đường cho một thể chế dân chủ. Mô hình chính trị do đảng Cộng sản cầm quyền hiện nay có những cơ cấu tương tự như một mô hình đại nghị. Và vì vậy mà việc chuyển đổi mô hình hiện nay sang một mô hình đại nghị - liên bang - tản quyền kiểu Cộng hòa Liên bang Đức trở nên dễ dàng và thuận tiện. Ưu điểm của việc chọn lựa chuyển đổi sang mô hình đại nghị - tản quyền kiểu Đức không chỉ là dễ dàng, mà còn là ở đó nước Đức có những cơ cấu đặc thù tương tự với Việt Nam về mặt đông dân số, sự đa dạng vùng miền, và quan trọng nhất là mô hình chính trị Đức đã được kiểm nghiệm và chứng tỏ một sự thành công trong việc kiến tạo nên một nước Đức dân chủ và phát triển.


Để chuyển đổi từ mô hình chính trị cộng sản hiện nay sang mô hình đại nghị - liên bang kiểu Đức, việc đầu tiên là tách đảng ra khỏi chính quyền. Sau đó chúng ta có thể gộp một vài tỉnh lân cận lại với nhau thành một đơn vị hành chính tiểu bang sao cho mỗi tiểu bang có thể tự quản lý, thu thuế và chi tiêu. Với một dân số trong tương lai lên đến 100 triệu người, Việt Nam có thể chia thành khoảng 15 tiểu bang. Quốc hội sẽ cơ cấu thêm Thượng nghị viện đại diện cho các tiểu bang. Luật bầu cử kiểu hỗn hợp theo tỉ lệ, hiến pháp, và cơ cấu tổ chức hoạt động của các cơ quan chính phủ sau đó chúng ta tham khảo từ hệ thống của Đức.


Những hệ thống chính trị dân chủ được xây dựng trên cơ sở tham khảo, kế thừa và bổ sung những hệ thống đi trước, và một ích lợi của các nước chuyển đổi sang dân chủ đi sau đó là họ có thể học và tham khảo từ những thể chế đã chứng tỏ sự thành công của nó. Vì vậy mà việc chọn lựa và áp dụng một mô hình dân chủ đúng đắn sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng kiến tạo nên một xã hội dân chủ sống động và một đất nước phồn thịnh trong tương lai.


Nguyễn Huy Vũ

14.6.2017